URL: http://tcbta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tcbta/96360474/96360500?pers_id=33814884&item_id=42164673&p_details=1
 
Kỳ họp 10/2013 của Hội đồng Thẩm phán và một số vấn đề nghiệp vụ (P.3)
13/12/2013-02:01:00 PM
 
Nhà vắng chủ có đương nhiên thuộc sở hữu nhà nước hay không? Kiện đòi nhà thuộc diện vắng chủ có phải trường hợp “ không có quyền khởi kiện” hay không?
Nhà vắng chủ có đương nhiên thuộc sở hữu nhà nước hay không? Kiện đòi nhà thuộc diện vắng chủ có phải trường hợp “ không có quyền khởi kiện” hay không?

(Vụ kiện đòi lại nhà 25 Cô Bắc – thành phố Hồ Chí Minh)

Nhà số 25 đường Cô Bắc, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 72 m2 (không kể sân và công trình phụ) có nguồn gốc của ông Nguyễn Phước Thịnh (hiện nay không rõ ông Thịnh ở đâu).

Tại đơn khởi kiện ngày 25/10/2006, nguyên đơn là cụ Lê Văn Ngà và vợ là cụ Nguyễn Thị Tư khai rằng hai cụ đã mua lại nhà này của ông Thịnh từ năm 1965 (đã bị thất lạc giấy tờ mua bán) và cho nhiều người ở thuê, ở nhờ; nay yêu cầu được đòi lại nhà.

Các bị đơn là bà Lê Thị Sáu và ông Lê Văn Há (đều là con của Nguyên đơn) không đồng ý trả nhà vì không công nhận các nguyên đơn là chủ nhà.

Có 23 người được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là những người đang ở nhờ tại 25 Cô Bắc lại thừa nhận họ đang ở nhờ nhà của cụ Ngà và cụ Tư.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 1903/2011/DS-ST ngày 27/10/2011, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã xử chấp nhận yêu cầu đòi nhà của các nguyên đơn. Các bị đơn kháng cáo. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 143/2012/DS-PT ngày 12/4/2012, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã sửa án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: trả nhà 25 Cô Bắc cho các nguyên đơn; nguyên đơn phải trả cho bà Sáu 85 lượng vàng và 170 triệu đồng chi phí xây dựng, trả cho ông Há 38 triệu đồng chi phí xây dựng. Bản án phúc thẩm đã bị Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm.

Tại phiên họp ngày 16/10/2013, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy Bản án phúc thẩm và Bản án sơ thẩm; giao cho TAND thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm lại. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán có một số vấn đề pháp lý quan trọng sau:

1.Về quyền sở hữu nhà vắng chủ:

Kháng nghị giám đốc thẩm nhận xét rằng “cần xác định đây là nhà đất vắng chủ Nhà nước chưa quản lý để xác lập sở hữu toàn dân”. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán đã không nhất trí với nhận xét trên của Kháng nghị giám đốc thẩm. Nhà vắng chủ có thể Nhà nước đã quản lý và cũng có trường hợp Nhà nước chưa quản lý. Trong trường hợp nhà đã do Nhà nước quản lý (có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bố trí sử dụng thực tế) thì nhà mới thuộc sở hữu  Nhà nước. Trong vụ án này là trường hợp tư nhân đang quản lý nhà vắng chủ nên việc xác định sở hữu nhà phải căn cứ vào quy định tại Điều 10 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch về nhà ở xác lập trước 01/7/1991 hoặc Chương VII Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.

2.Đây có phải là trường hợp “không có quyền khởi kiện”

Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng “lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm cần trả lại đơn khởi kiện theo điểm a, khoản 1, Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự”. Quyết định giám đốc thẩm không nhất trí với nhận định trên của Kháng nghị giám đốc thẩm.

Nhà 25 Cô Bắc chưa rõ là đã thuộc sở hữu Nhà nước. Các nguyên đơn khởi kiện đòi lại nhà 25 Cô Bắc với lý do họ đã mua nhà này từ năm 1965 nên đã trở thành chủ nhà. Nếu các nguyên đơn chứng minh được lý do nêu trên là sự thật và hợp pháp thì yêu cầu đòi lại nhà của họ có căn cứ chấp nhận. Chỉ trong trường hợp rõ ràng nguyên đơn không có quyền theo pháp luật (như rõ ràng nguyên đơn không phải là chủ nhà…) thì họ mới không có quyền kiện đòi lại nhà. Trong trường hợp của vụ án này họ có thể là chủ nhà, yêu cầu của họ có thể được chấp nhận (xác định ở thờ điểm nộp đơn khởi kiện) thì không phải thuộc trường hợp “không có quyền khởi kiện”; Tòa án vẫn phải thụ lý, giải quyết, và nếu không có đủ căn cứ chấp nhận yêu cầu thì xử bác yêu cầu của nguyên đơn.

Tuy có một số nội dung không nhất trí với Kháng nghị nhưng có căn cứ khác (chưa rõ nguyên đơn có phải là chủ sở hữu hợp pháp) nên Quyết định giám đốc thẩm vẫn hủy Bản án sơ thẩm, Bản án phúc thẩm để xét xử sơ thẩm lại.

Vấn đề pháp lý có thể rút ra là:

1.Nhà vắng chủ không đương nhiên thuộc sở hữu Nhà nước. Việc xác định quyền sở hữu phải theo các quy định cụ thể của pháp luật.

2.Chưa chứng minh được là chủ sở hữu không phải thuộc trường hợp không có quyền khởi kiện đòi lại nhà. Nếu vẫn nêu được một trong các trường hợp có thể là chủ sở hữu (hoặc người quản lý hợp pháp) thì vẫn có quyền khởi kiện mặc dù sau đó sự thật không chứng minh được sẽ bị bác yêu cầu khởi kiện.

Chu Minh

In Trang | Đóng cửa sổ